LỊCH SỬ CHỢ HÀNG DA – KẺ CHỢ XƯA VÀ NAY
Những khu chợ nằm khuất mình giữa bao nhiêu ngôi nhà của phường phố như một thực thể không thể tách rời với hồn cốt đô thị. Chợ như là một xã hội thu nhỏ.
Trong ký ức của nhiều người Hà Nội, cái tên chợ Hàng Da không chỉ gắn với nhu cầu mua sắm, ăn uống hằng ngày mà nó còn là nơi trao đổi, giao lưu văn hóa. Thậm chí suốt một thời bao cấp khốn khó, ngôi chợ còn là nơi cung cấp nhiều nhu yếu phẩm thiết yếu mà cửa hàng mậu dịch quốc doanh không phục vụ. Chợ - “nhân chứng” lịch sử Là một trong những chợ truyền thống lâu năm của Hà Nội, lại nằm ở khu vực đô hội của Hà thành, chợ Hàng Da được dựng lên trong khu phố cổ trên phố Hàng Da, cùng với chợ Bắc Qua, chợ Cầu Đông và chợ Đồng Xuân trở thành một mạng lưới chợ khá dày đặc trong khu vực trung tâm phố cổ.
Chợ Hàng Da trước những năm 1950 vốn trực thuộc phòng thương nghiệp của khu phố Hoàn Kiếm (nay là quận Hoàn Kiếm). Chợ cùng với phố Hàng Da và người dân nơi đây đi qua những biến thiên của lịch sử, chứng kiến Hà Nội qua nhiều thời kỳ thăng trầm khác nhau. Thời điểm đế quốc Mỹ mở rộng đánh phá ra miền Bắc năm 1964, chợ cũng đã phải gánh chịu sự tàn phá của bom đạn Mỹ. Bước sang những năm 1980-1986, kinh tế nước ta còn đang trong chế độ bao cấp, chợ Hàng Da vẫn mang dáng dấp của một khu chợ quê với mái tranh, có chỗ lợp tôn xi măng với tổng diện tích vào khoảng 3.000 m2. Đây cũng là nơi bán các mặt hàng bao cấp của Nhà nước như vải vóc, quần áo, đèn dầu… “Chợ Hàng Da cũng là một “nhân chứng” lịch sử, chứng kiến sự thay đổi của nước ta trước và sau thời kỳ bao cấp”. Còn trong hoài niệm của người Hà Nội người ta thường nhắc đến:
Vui nhất là chợ Đồng Xuân, Bắc Qua cũng gần nhưng kém vui xa.
Chợ Đuổi họp lúc chiều tà, Chợ Hôm họp sáng, chợ Hàng Da họp ngày.
Chợ truyền thống chủ yếu phục vụ dân sinh nên hàng quán ở đây cũng đa dạng và giá cả khá bình dân. Bà Nguyễn Thị Dinh, ở Đường Thành, gần chợ Hàng Da, nhớ lại: Chợ được chia thành bốn khu vực. Chỗ thì bán hàng thực phẩm tươi sống, chỗ bán hàng ăn, chỗ bày bán quần áo và các hàng tạp hóa khác. Phố Hàng Da xưa.Mỗi chợ đều mang trong mình những nét riêng, trong đó dễ phân biệt nhất là thời điểm họp chợ. Nhưng để lại dấu ấn nhiều nhất vẫn là những hàng ăn. Có nhiều người dân nhiều năm liền là thực khách trung thành của một hàng ăn duy nhất trong chợ. Có giai thoại rằng thuở chợ Hàng Da vẫn còn rêu phong, sinh thời cụ Nguyễn Tuân vẫn thường ghé vào cửa hàng giò chả của một cụ bà gần ngay cổng vào chợ.
Cụ Tố, người đã có hơn 80 năm sống ở Hà Nội, từng chứng kiến chợ Hàng Da xưa qua những lần cải tạo, nhớ lại: Chợ lúc ấy đông đúc, hàng quán cũng chỉ là những thứ giản đơn nhưng cảnh bán mua luôn dậy một góc phố. Người ta đến chợ, tưởng như chỉ có một lý do duy nhất, mua bán và trao đổi hàng hóa. Thế nhưng với không ít người dân quanh chợ thì đến chợ còn là để được bắt chuyện, hỏi han nhau chuyện chồng con, chuyện nhà cửa và cả những chuyện hè phố quanh mình. Chợ Hàng Da ngày nay. Khó lòng kể hết được những tên chợ của Thăng Long thuở ấy nhưng theo tư liệu của nhiều nhà nghiên cứu để lại, Hà Nội bấy giờ ở khu vực trung tâm có khoảng 50 khu chợ lớn. Những khu chợ nằm khuất mình giữa bao nhiêu ngôi nhà của phường phố, như một thực thể không thể tách rời với hồn cốt đô thị. Chợ như là một xã hội thu nhỏ, ở đó có những bon chen, có những tính toán và cũng không thể thiếu những lọc lừa. Nhưng người bán và kẻ mua trong những khu chợ vẫn có những khoảng thân tình.
Chị Nguyễn Thu Lan, người con của một gia đình có tới bốn đời sinh ra và lớn lên ở bên cạnh chợ Hàng Da, kể lại: Lúc tôi còn nhỏ (quãng những năm 1986-1987) vẫn thường hay sang bên cổng chợ Hàng Da chơi. Thời đó, chợ vẫn chỉ là những gian nhà mái ngói. Mỗi khi đến rằm Trung Thu, tôi vẫn thích sang xem người ta làm bánh nướng, bánh dẻo. Tiếng đập khuôn bánh với hình ảnh bột tung lên mỗi khi chiếc khuôn bị gõ xuống mặt bàn vẫn còn như hiện ra trước mắt. Hoài niệm về chợ xưa không chỉ có trong ký ức của những kẻ mua mà còn là của kẻ bán. Nhiều gia đình có thâm niên nhiều đời buôn bán ở chợ hoặc chí ít cũng gắn bó với chợ đến nửa đời người.
Tiểu thương ở chợ cũng đủ mọi thành phần, quê quán nhưng chủ yếu vẫn là những gia đình sống trong các khu vực gần chợ, vì thời thế mà chọn nghề này làm nghiệp mưu sinh. Lại có cả những bà, những cô vốn là người dân ở các địa phương khác về Hà Nội bán những thứ quà quê, sản vật đồng nội trên vỉa hè hay quán cóc. Dần dà, họ quy tụ lại thành những khu vực tập trung rồi phát triển lên thành chợ. Khi chợ được xây dựng, họ phần dựa vào tiền tích góp, phần vay mượn để mua cho mình được một gian hàng làm chốn mưu sinh. Mỗi người mỗi mặt hàng, không thật sự phong phú nhưng cũng đáp ứng phần nào nhu cầu tiêu dùng của người dân phố thị. Nói là chợ giữa phố nhưng các chợ Hà Nội truyền thống vẫn phảng phất dấu ấn của những chợ quê với cảnh bán, mua xôm tụ và những mặt hàng mang đậm chất thôn dã.